Năng lực và thu nhập là gì?
Năng lực và thu nhập (ability and earning) là các chỉ tiêu cho biết năng lực và trình độ giáo dục (ví dụ số năm đến trường) có mối quan hệ tương quan chặt chẽ với nhau. Điều này làm cho người ta đưa đến nhận định rằng phần lớn thu nhập ước tính phát sinh từ giáo dục thực ra là thu nhập trả cho năng lực. Mãi cho đến gần đây, người ta vẫn chưa biết rằng chi phí để tạo ra năng lực làm giảm lợi suất của giáo dục rất nhiều. Nhưng các nghiên cứu về những cặp sinh đôi hoàn toàn giống nhau (được giả định là có năng lực như nhau) cho thấy lợi suất của giáo dục ngày càng giảm. Lợi suất thực sự của giáo dục có thể chỉ bằng một phần tram, chứ không phải mười phần trăm như trước đây người ta vẫn nghĩ.
Tuy nhiên các nhà kinh tế vẫn còn tranh cãi về kết quả nghiên cứu trên. Nếu kết quả này đúng thì người ta phải coi các khoản chi cho giáo dục là tiêu dùng giáo dục. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, thì giáo dục cũng ảnh hưởng tới thu nhập và vì vậy người ta tiếp tục coi giáo dục là một khoản đầu tư.
Vốn nhân lực là gì?
Vốn nhân lực hay tư bản con người (human capital) là khái niệm dùng để chỉ toàn bộ hiểu biết của con người về phương thức tiến hành các hoạt động sản xuất. Nền tảng kiến thức của một quốc gia được tăng cường nhờ công tác nghiên cứu (Cơ bản và ứng dụng) và truyền bá kiến thức thông qua hệ thống giáo dục và đào tạo nghề. Việc đầu tư vào vốn nhân lực tạo ra nhiều sản phẩm mới và cải tiến, nhiều quy trình công nghệ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vốn nhân lực cũng có ý nghĩa quan trọng như vốn vật chất trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chẳng hạn, việc đầu tư vào con người như nâng cao trình độ giáo dục, chăm sóc y tế, đã đem lại những mối lợi lớn cả cho khu vực tư nhân và công cộng. Chẳng hạn, số năm đến trường có mối liên hệ tương quan chặt chẽ với mức thu nhập. Những công trình nghiên cứu trên lĩnh vực vốn nhân lực đã chỉ ra rằng các khoản đầu tư vào y tế, giáo dục, nhà ở… đem lại nhiều lợi ích xã hội to lớn. Thông qua việc vận dụng những kiến thức đã biết và thực hiện các khoản đầu tư cần thiết, chúng ta có thể làm tăng năng suất và cắt giảm một số chi phí xã hội.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Link bài viết gốc Copy link https://vietnamfinance.vn/nang-luc-va-thu-nhap-la-gi-von-nhan-luc-la-gi-20180504224211322.htm