Nghịch lý của tiết kiệm (paradox of thrift) là sự mâu thuẫn giữa bản chất tốt đẹp của tiết kiệm và những hậu quả không mong muốn của nó. Nếu các hộ gia đình muốn tiết kiệm nhiều hơn thì tổng mức chi tiêu hay tổng cầu của nền kinh tế sẽ giảm dẫn đến sản lượng và việc làm giảm.
Ở hình trên, chúng ta thấy, sản lượng giảm từ Y1 xuống Y2 khi hàm tiết kiệm thay đổi từ S sang S1 (dốc hơn) hoặc S2 (dịch chuyển lên trên) vì các hộ gia đình muốn tiết kiệm nhiều hơn tại mọi mức thu nhập. Trong cả hai trường hợp, các hộ gia đình cuối cùng không tiết kiệm được nhiều hơn (quy mô tiết kiệm không thay đổi S2=S1=S và phải luôn bằng 1). Nếu hàm đầu tư dốc lên và phụ thuốc vào thu nhập (đường l’) thì không những thu nhập giảm (từ Y xuống còn Y4) mà ngay cả tiết kiệm cũng giảm (từ S1 xuống S4). Như vậy trong cả hai trường hợp, nguyện vọng tăng tiết kiệm của hộ gia đình đều không thực hiện được, trong khi nó gây ra hậu quả không mong muốn là làm giảm sản lượng, việc làm và thu nhập của nền kinh tế.
Tiết kiệm có lợi cho nền kinh tế vì nó giải phóng nguồn lực từ các ngành sản xuất hàng tiêu dùng và chuyển sang cho ngành sản xuất hàng đầu tư, dẫn tới tốc độ tăng trưởng và mức sống cao hơn. Nhưng nếu các hộ gia đình tìm cách tiết kiệm nhiều hơn kế hoạch hay nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp thì các khoản rút ra sẽ lớn hơn các khoản bơm vào vòng chu chuyển của thu nhập quốc dân và đây là nguyên nhân làm cho mức sản lượng và thu nhập cân bằng giảm. Khi sản lượng cân bằng giảm, sản lượng hiện thực của nền kinh tế cũng giảm theo, vì các doanh nghiệp cắt giảm sản xuất đê giữ cho hàng tồn kho ở mức mong muốn.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Link bài viết gốc Copy link https://vietnamfinance.vn/nghich-ly-cua-tiet-kiem-la-gi-20180504224211324.htm