Thuế khoán là gì?
Thuế gộp hay thuế khoán (lumpsum tax) là thuế đánh theo cách để mọi người không thể thay đổi mức thuế của mình, chẳng hạn thuế thân. Loại thứ thuế này làm tăng nguồn thu cho ngân sách chính phủ mà không làm biến dạng quá trình phân bổ nguồn lực. Thuế gián thu có tác động gây biến dạng quá trình phân bổ nguồn lực và gây ra tổn thất tải trọng, vì nó làm cho người tiêu dùng thay đổi cơ cấu chi tiêu của mình và sự thay đổi như vậy làm cho người tiêu dùng bị thiệt trong khi không có lợi gì cho chính phủ. Tương tự, thuế thu nhập có thể làm biến dạng sự lựa chọn giữa lao động và nghỉ ngơi. trên thực tế, có ít loại thuế không làm biến dạng quá trình phân bổ nguồn lực.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Thuế khoán (lumpsum tax), còn gọi là thuế trọn gói, thuế theo đầu người là một loại thuế có giá trị cố định đánh vào tất cả các cá nhân. Loại thuế này buộc mỗi cá nhân phải nộp cho chính phủ một khoản tiền như nhau không phân biệt khả năng thu nhập, tích lũy, tiêu dùng…của họ. Thuế thân hay còn gọi là thuế đinh ở Việt Nam đánh trên mỗi nam giới trưởng thành trước đây chính là một sắc thuế khoán.
Tác động của thuế khoán
Các loại thuế khác gây ra sự thay đổi về giá tương đối giữa các loại hàng hóa (ví dụ nếu như đánh thuế gạo thì gạo trở nên đắt tương đối so với vải) và do đó gây ra tổn thất vô ích (còn gọi là gánh nặng quá mức), nghĩa là số tiền mà chính phủ thu được từ thuế ít hơn độ thỏa dụng mất đi của người tiêu dùng (do thuế làm tăng giá nên người tiêu dùng phải tiêu dùng ít đi). Trái lại, thuế khoán không gây ra sự thay đổi về giá cả tương đối giữa các sản phẩm nên nó có hiệu quả kinh tế hơn so với các loại thuế khác vì để chính phủ thu được một số tiền thuế bằng nhau thì thuế khoán sẽ làm độ thỏa dụng của tất cả các cá nhân giảm đi ít hơn so với các loại thuế khác.
Link bài viết gốc Copy link https://vietnamfinance.vn/thue-khoan-la-gi-tac-dong-cua-thue-khoan-20180504224211572.htm