Ma Trơi Mà Chúng Ta Thường Gặp Là Gì ?
Theo như lời truyền miệng cũng như chứng kiến trực tiếp của nhiều người, ma trơi ( có nơi gọi là “ ma chơi ” ) là một đốm sáng có kích cỡ lớn – lơ lửng trên không, màu xanh lá hoặc trắng, vàng… chúng nó chỉ xuất hiện vào ban đêm trên mấy đoạn đường vắng. Khi “ ma trơi ” thấy mình thì lập tức sẽ bám theo mình. Đến khi nào mình ngất đi vì sợ hãi hoặc gặp ánh sáng thì nó sẽ tự biến đi thôi.
Ngay cả trong văn học, ma trơi cũng được miêu tả bởi Nguyễn Du (đại thi hào với tác phẩm bất hủ Truyện Kiều). Ông đã nhắc đến con ma đáng sợ này trong “ Văn chiêu hồn ” :
“ Lập lòe ngọn lửa ma chơi
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương ”
Hay như một tác giả tên là Nguyễn Văn Thành – ông là Tiền quân trong lực lượng binh lính của vua Gia Long cũng đã gợi nhắc ma trơi qua bài “ Văn tế tướng sĩ trận vong ” ( ông viết bài này để xót thương những binh lính bỏ mạng trong trận chiến với quân Tây Sơn ).
“ Hồn chiến sĩ biết đâu miền minh mạc
Mịt mù gió lốc thổi dấu tha hương
Mặt chinh nhân khôn vẽ nét gian nan
Hầu như ai cũng tin rằng, ma trơi chính là vong hồn của con người chưa kịp siêu thoát đầu thai còn lởn vởn trong dương gian. Đặc biệt các vong hồn này thường là những đứa bé, nên ma trơi rất “ tinh nghịch ”, hay trêu chọc người đi đường – đặc biệt là những người yếu bóng vía.
Ngoài chiến trường, nếu ai thấy ma trơi thì hầu như đều tin rằng thực ra đó là vong linh của các chiến sĩ chưa được người thân nhận về.
Ma trơi thường hay xuất hiện vào khoảng thời gian cuối đông cho đến giữa xuân, có gió se lạnh, thỉnh thoảng có mưa phùn. Chúng thường xuất hiện đơn lẻ hoặc là một cặp. Đôi lúc chúng còn nhảy múa trước mặt, vờn qua vờn lại rồi biến mất, rồi lại xuất hiện và “ hành động ” lặp lại như ban nãy.
Người phương Tây cũng tin có ma trơi đấy ạ. Họ cho rằng ma trơi trêu chọc con người nhưng đều có mục đích cả. Nếu người bị trêu là người tốt thì ma trơi sẽ dẫn họ đến với kho báu. Còn nếu đối phương là kẻ xấu thì ma trơi sẽ trừng trị họ. Nhưng nếu bị ma trơi dọa, cách tốt nhất để thoát khỏi nó là nguyền rủa nó thay vì cầu nguyện.
Riêng người dân xứ Wales họ tin vào ma trơi theo cách đặc biệt hơn. Mỗi khi ma trơi xuất hiện thì đó là điềm dữ mà thánh Davis tạo ra để báo trước cái chết của một người nào đó trong vùng. Đốm lửa màu xanh chứng tỏ người trẻ tuổi sắp mất, còn nếu là màu vàng thì một người lớn tuổi sẽ sắp đi vào cõi vĩnh hằng. Người xứ Wales còn cho rằng nhìn vào đốm lửa ma trơi sẽ thấy được khuôn mặt của người sẽ mất trong thời gian tới.

Hiện tượng Ma Trơi được giải thích như thế nào ?
Với kiểu xuất hiện đột ngột rồi nhảy qua múa lại, rồi lại còn đuổi theo như thế hỏi sao không sợ cho được. Vậy nên đã có cách để mọi người hết sợ – đó chính là khoa học giải thích bản chất của ma trơi. Chúng ta thường chỉ sợ những cái gì không có thực, hoặc không biết rõ về nó mà thôi.
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra được địa điểm mà ma trơi hay “ tập kết ” – đó chính là những nghĩa trang, khu mộ, hoặc nơi nào có chôn xác chết động vật… Và từ đó, họ biết được vì sao lại có ma trơi rồi. Đó là bởi vì, xác sinh vật khi chết đi sẽ bị vi khuẩn phân hủy. Đặc biệt là ở con người, chất Phospho có trong xương và răng của chúng ta gặp môi trường kín, hiếm khí dưới sâu trong lòng đất do hoạt động của vi khuẩn mà chuyển hóa thành Phosphine PH3 và Diphosphine P2H4. Bình thường PH3 chỉ cháy khi ở nhiệt độ 150C, nhưng kết hợp với P2H4 – là một chất dạng lỏng, lại dễ bay hơi và rất dễ cháy ở nhiệt độ thường, khiến cho PH3 cũng muốn “ bùng cháy ” theo. Nếu hỗn hợp này thoát được ra ngoài , gặp không khí thì chúng tự bốc cháy tạo thành một đốm sáng màu xanh ( hoặc vàng, trắng ) lơ lửng trong không trung.
Thực ra ma trơi cũng có vào ban ngày ấy – vì các hỗn hợp kia nó gặp không khí lúc nào thì nó cháy lúc ấy thôi, nào có phân biệt ngày hay đêm. Nhưng chỉ vì ban ngày ánh sáng Mặt Trời đã khuếch tán ra xung quanh, che khuất sự xuất hiện thật sự của chúng nên thành ra ai cũng tưởng ma trơi chỉ có vào buổi tối.
Vậy lí do vì sao mà đốm sáng này lại bám theo con người ?
Các nhà nghiên cứu cũng giải thích rằng khi chúng ta hoảng sợ mà chạy, sẽ tạo thành một luồng gió cuốn hút đốm sáng này di chuyển theo. Tại chúng đang lơ lửng trong tình trạng không trọng lực mà. Vì thế mới có hiện tượng ma trơi “ bám đuôi ” gây sợ hãi như vậy.
Thế nhưng khi gặp ánh sáng cường độ lớn như đèn chiếu sáng trên đường, đèn pha xe ô tô thì tại sao chúng lại biến mất ?
Đến đây thì chịu. Khoa học không giải thích được nữa.
Và còn có một sự kiện đáng chú ý rằng – các nhà khoa học Anh vào thế kỷ 18 khi nghiên cứu về ma trơi đã nhờ một bà lão tên là Kelly dùng một chiếc vợt có tẩm các chất dễ cháy chạm trực tiếp vào ma trơi ( nhằm bắt lửa những nguyên tố Phospho đã bị chuyển hóa để khẳng định bản chất thực sự về ma trơi là đúng ). Kết quả là chiếc vợt không có dấu vết bị cháy nào. Vậy ắt hẳn ma trơi không chỉ đơn giản là các đốm lửa do phospho chuyển hóa bị cháy tạo ra.
Nói đến đây chắc lại có người sợ rồi.
Có ma trơi trên biển hay không ?

Không những có tại nghĩa địa, ma trơi còn xuất hiện trên cả biển. Hàng trăm năm, các thủy thủ đã truyền tai nhau về một dải sáng màu xanh hoặc sáng đục lơ lửng trên mặt biển. Họ cho rằng đó là ma trơi hiện ra để đe dọa họ.
Vì thế năm 2005, Tiến sĩ S. Miller ( Mỹ ) cùng với một nhóm các nhà khoa học quyết định tìm hiểu xem thật ra dải sáng kì lạ trên biển đó là gì. Họ đã lấy mẫu nước biển ở những vùng có dải phát sáng, và thật ngạc nhiên – các nhà khoa học phát hiện ra trong các mẫu nước đó, có một loại vi khuẩn phát quang sinh học trong nước – tên khoa học của chúng là Vibrio Harveyi.
Loại vi khuẩn này tự sản sinh ra ánh sáng mờ nhạt nhưng thời gian kéo dài – nhờ vào hai chất phản ứng hóa học có trong cơ thể chúng: đầu tiên là chất Luciferin – một loại chất tạo ra ánh sáng. Sau đó, chúng còn “ sử dụng ” Luciferase – một loại enzym xúc tác thúc đẩy quá trình oxy hóa của Luciferin, bản thân enzym này cũng tạo ra ánh sáng phụ họa theo.
Vi khuẩn Vibrio Harveyi phát sáng để săn cá. Ánh sáng màu xanh huyền ảo này rất thu hút các loài cá. Khi cá nuốt vào bụng, vi khuẩn này sẽ được sống tại ruột cá – môi trường lí tưởng mà chúng vô cùng yêu thích.
Nhưng Tiến sĩ Miller cùng các cộng sự vẫn chưa hiểu được vì sao vi khuẩn này lại tập trung nhiều đến như vậy – và chỉ có ở một số vùng biển nhất định mà thôi.
Tác dụng không ngờ đến của nhân tố tạo ra “ Ma trơi ”
Chất PH3 ( Phosphine ) cấu tạo nên “ ma trơi ” thực ra là một loại chất không hề có lợi đối với con người. Nó được xem là một loại khí độc hại bởi khi hít phải vào, PH3 phản ứng với oxy trong cơ thể, gây ra sự cản trở hấp thu oxy của tế bào. Con người hay bất cứ loài vật nào hô hấp nhờ oxy thì chắc chắn sẽ có phản ứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn do sự thiếu hụt oxy trong máu.
Trong lịch sử, PH3 đã từng được sử dụng làm vũ khí hóa học trong Chiến tranh thế giới thứ I. Chúng lại còn rất khó ngửi – giống như mùi tỏi nồng vậy.
Nhưng ít ai biết rằng, PH3 lại hỗ trợ rất lớn cho khoa học thiên văn tìm ra dấu vết của sự sống ngoài Trái Đất. Điều này đã được công bố trong một nghiên cứu khoa học của MIT ( Học viện công nghệ Massachusetts – một trường đại học nổi tiếng về khoa học kỹ thuật ở Mỹ ). Các chuyên gia vật lý thiên văn của MIT đã nghiên cứu trên các thí nghiệm mô phỏng quá trình sản xuất, tồn tại và bị phá hủy của Phosphine trong một số hành tinh, họ nhận thấy rằng Phosphine có sự tương tác với ánh sáng, từ đó có thể lần tìm ra dấu vết của sự sống tồn tại trên một hành tinh nào đó bất kỳ không.
Kết Luận
Qua bài viết này chúng ta đã hiểu rõ ma trơi là gì rồi đúng không nào ?. Vậy nên nếu có duyên gặp, thay vì bỏ chạy thì chúng ta cứ bình tĩnh, tự tin đi thẳng một mạch . Nếu không thể tới được vùng có ánh sáng thì ta thử tạo lửa, đốt cháy lại ma trơi luôn để xem ai có trầm trồ.
Tác giả: Phương Thụ
Tiếng Cười Là Gì? Tại Sao Chúng Ta Cười?
Link bài viết gốc Copy link https://goctomo.com/hien-tuong-ma-troi/