Thực sự rất vui, háo hức và xen lẫn chút tự hào khi tôi được viết về tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam. Nơi đây đã gắn với biết bao câu chuyện lịch sử, nền văn hóa đậm nét miền trung, cùng với đó là hàng loạt vĩ nhân được sinh ra tại đây. Tôi muốn nói đến xứ Nghệ – nơi tôi được sinh ra.
1. Nghệ An Là Tỉnh Rộng Nhất Việt Nam?
Đúng. Tính đến thời điểm tháng 12 năm 2019, Nghệ An với diện tích 16.493,7 km2 là tỉnh rộng nhất Việt Nam. Nhưng trước đó, Đăk Lăk chiếm ngôi vị này bởi tỉnh này trước khi tách ra thành Đăk Lăk và Đăk Nông vào năm 2003 lại có diện tích hơn 19.000 km2.

2. Tổng quan về vị trí địa lý, lịch sử hình thành, đôi nét văn hóa đặc trưng của tỉnh Nghệ An

Khí hậu của Nghệ An – điều này tôi đã được kiểm chứng khi có hai lần tôi được về quê trong mùa hè. Cực nóng và khô ( do ảnh hưởng của gió Phơn Tây Nam thổi từ Lào ) – nhiệt độ trung bình lên đến 40C và có khi hơn. Nhưng mùa đông thì lạnh buốt, nhiệt độ chỉ còn khoảng 12 – 15C mà thôi.
Những di chỉ, hiện vật khảo cổ được phát hiện ở Quỳnh Lưu cũng cho thấy nơi đây đã từng có cư dân ven biển làm đồ gốm, thuần dưỡng súc vật từ cách đây 6000 năm TCN thuộc thời kỳ văn hóa Quỳnh Văn. Cư dân thời kỳ Đông Sơn cũng đã từng sinh sống tại xứ Nghệ, trong đó làng Vạc ( nay thuộc thị xã Thái Hòa ) có mật độ dân sinh sống cao nhất, cũng là nơi tìm thấy nhiều nhất các hiện vật còn sót lại của thời kì Đông Sơn ở Nghệ An này.

(Trống đồng Hoàng Hạ – Nét văn hóa Đông Sơn)
Nghệ An và Hà Tĩnh trong lịch sử từng được xếp cùng chung một đơn vị hành chính. Trước kia, mọi người hay gọi “ dân Nghệ Tĩnh ” chính là hướng đến những người sinh sống hoặc có nguồn gốc ở vùng này. Trước thời Hùng Vương, Nghệ – Tĩnh là vùng đất của nước Việt Thường ( kinh đô nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh ), nhưng sau đó được vua Hùng thống nhất, sát nhập vào thành một bộ trong đơn vị hành chính 15 bộ của nước Văn Lang.
Bắt đầu 1000 năm Bắc thuộc, Nghệ An và Hà Tĩnh nằm trong quận Cửu Chân, rồi quận Nhật Nam, lại đến lượt quận Cửu Đức rồi là Hoan Châu…. Đến thời nhà Lý, hai vùng này được đặt là châu Nghệ An ( hay gọi là Nghệ An châu cũng được ). Năm 1490, vua Lê Thánh Tông đổi thành “ Xứ Nghệ ”. Sau đó là trấn Nghệ An.
Năm 1831, vua Minh Mạng tách trấn Nghệ An thành hai tỉnh : Nghệ An ( bắc sông Lam ), Hà Tĩnh ( nam sông Lam ). Nhưng thật sự có một chút đáng tiếc khi vào thời Pháp thuộc, thực dân Pháp đã cắt mất một số vùng đất của Nghệ An và Hà Tĩnh cho Lào.
Từ năm 1976 đến năm 1991, hai tỉnh lại được sát nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Sau đó cũng vào năm 1991 thì tách lại thành Nghệ An và Hà Tĩnh như xưa.
Hiện nay Nghệ An có 21 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 1 thành phố trực thuộc tỉnh – thành phố Vinh , 3 thị xã : Cửa Lò ( có biển Cửa Lò là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của cả nước ), Thái Hòa và Hoàng Mai. 17 huyện còn lại được phân loại theo địa hình, ví dụ :
+ Huyện miền núi : Anh Sơn, Kỳ Sơn, Con Cuông,….
+ Huyện trung du : Tân Kỳ ( nơi tôi sinh ra đấy ), Đô Lương, Yên Thành…
+ Huyện đồng bằng – ven biển : Nghi Lộc, Diễn Châu, Nam Đàn, Quỳnh Lưu…

Xứ Nghệ cũng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em như Mường, Thái, Khơ – mú,… bên cạnh người Kinh. Số lượng người theo Công giáo chiếm khá đông, sau đó là đến Phật giáo. Một số tôn giáo – tín ngưỡng còn lại như Hồi giáo, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo, Minh Lý giáo, Tịnh độ cư sĩ, Tứ Ân Hiếu Nghĩa… thì chiếm số lượng rất ít.
Một số địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng ngoài biển Cửa Lò thì đa phần các nơi đều gắn liền với ý nghĩa quan trọng. Một là về mặt sinh học tự nhiên như Vườn Quốc gia Pù Mát ( huyện Con Cuông ) hay mang tính văn hóa – lịch sử như huyện Nam Đàn có khu di tích lịch sử Kim Liên (có ngôi nhà mà Bác Hồ lớn lên thuở thiếu thời), khu di tích Sa Nam (nơi đây có đền thờ và mộ vua Mai Hắc Đế – cũng là nơi ông đã đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi nhà Đường thời Bắc thuộc ở nước ta), nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu …
Các món ăn nổi tiếng ở xứ Nghệ có lẽ phải kể đến “ nhút Thanh Chương – tương Nam Đàn “ ( hai món ăn đặc trưng của hai huyện ở Nghệ An, trong đó “ nhút ” là một món ăn được chế biến từ xơ mít. Còn tôi thì chỉ thích ăn mít và cực nhớ hai cây mít vừa cao vừa nhiều trái thơm ngon ở nhà nội. Mùa hè mít chín, rụng đầy quanh gốc cây. Người lớn lập tức bổ ra, hương bay ngào ngạt, trẻ con xúm lại cùng nhau thưởng thức những múi mít sần sật thơm ngon ).
Nói một chút về lịch sử thì Nghệ An cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện, cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước của các anh hùng lịch sử. Ví dụ như :
+ Thế kỉ VIII, Mai Hắc Đế phất cao lá cờ khởi nghĩa chống lại ách thống trị của nhà Đường ở Sa Nam ( Nam Đàn )
+ Thời nhà Trần chống giặc Nguyên Mông vua Trần Nhân Tông đã tới đây và dựa vào nguồn lực nhân tài xứ Nghệ để cùng nhau chống giặc.
+ Thời nhà Minh xâm lược, vua Lê Lợi cũng từng đóng đại bản doanh chiến đấu ở Nghệ An trong sáu năm.
+ Đến thời Tây Sơn, năm 1788, vua Quang Trung Nguyễn Huệ cũng từng dừng chân tại đây tuyển thêm 5 vạn quân. Nơi đây cũng diễn ra cuộc gặp bàn chiến lược kế sách đánh giặc giữa vua và La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp đang ở ẩn dạy học. Một điều ít ai biết rằng, sinh thời lúc còn sống vua đã chọn Nghệ An là kinh đô của đất nước, thay cho Phú Xuân hiện có hoặc Thăng Long trước kia. Ông cũng đã cho khởi công xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ( nay thuộc thành phố Vinh ) nhưng đáng tiếc ông đã đột ngột băng hà khi kinh thành còn đang dang dở.
+ Thời kỳ chống Pháp thì Nghệ An cũng là nơi khởi nguồn phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh ( 1930 – 1931 ). Hiện đã có bảo tàng Xô Viết – Nghệ Tĩnh lưu lại những hiện vật, dấu ấn lịch sử thuộc về phong trào đẫm máu này.
+ Nhưng đồng thời, Nghệ An cũng là một trong những nơi diễn ra cuộc nội chiến thời Lê – Mạc ( thế kỉ XVI ).
Đặc biệt là những câu hò ví dặm – một nét văn hóa đặc trưng vùng Nghệ Tĩnh chính là một trong những di sản văn hóa phi vật thể nhân loại được UNESCO công nhận vào ngày 27/11 năm 2014.
3. Nghệ An – Vùng đất địa linh nhân kiệt
Như tôi đã nói ở phần 1 – Nghệ An là vùng đất địa linh nhân kiệt, đồng thời cũng là vùng đất có truyền thống hiếu học, đỗ đạt cao trong thời phong kiến của cả nước. Số lượng người đỗ Tiến sĩ trở lên vào thời xưa thì Nghệ An chỉ đứng sau Hải Dương, Bắc Ninh và Hà Nội. Quả thật rất vinh dự tự hào khi quê tôi là nơi sản sinh ra nhiều danh tướng, công thần, các danh nhân văn hóa – lịch sử làm rạng danh đất nước:
– Bạch Liêu ( 1236 – 1315 ) là vị Trạng Nguyên nổi tiếng thông minh, tài ba, có trí nhớ cực tốt trong lịch sử Việt Nam. Ông sinh ra ở làng Diên Xá thuộc phủ Diễn Châu ( nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An ). Ngoài tài học, ông còn hỗ trợ rất lớn cho tướng Trần Quang Khải trong việc đưa ra kế sách, chiến lược đánh phá quân Nguyên Mông xâm lược. Bạch Liêu còn được cử theo đoàn sứ bộ sang thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà Nguyên bằng sự khôn khéo và tài năng của mình.
– Nguyễn Xí ( 1397 – 1465 ) là vị tướng xuất sắc thời kì khởi nghĩa Lam Sơn, cũng là nhà chính trị, khai quốc công thần nhà Hậu Lê. Ông sinh ra ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Nguyễn Xí đã có công phò tá Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh và ổn định triều đình nhà Hậu Lê suốt 4 đời vua. Ông đã làm đến chức Hữu Tướng Quốc ( tương đương với chức Thủ tướng bây giờ ).
– Nguyễn Trường Tộ ( 1830 ? ( không rõ năm sinh ) – 1871 ) : là một danh sĩ, kiến trúc sư nhưng được biết đến nhiều nhất với vai trò là một nhà cải cách xã hội khi mà xã hội phong kiến đã mục nát suy tàn, cộng với thực dân Pháp đã đem quân vào chiếm đóng nước ta. Ông sinh ra trong một gia đình Công giáo ở làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Nguyễn Trường Tộ nổi tiếng học rộng, tiếp thu nhanh và đã sớm tiếp cận những kiến thức khoa học ở phương Tây. Ông đã từng đi sang Hồng Kông và một số nước tiến bộ khác, từng làm phiên dịch viên cho quân Pháp và triều đình. Nhưng nổi bật nhất trong cuộc đời của ông chính là việc ông đề xuất rất nhiều lần các cải cách tiến bộ từ phương Tây mà ông đã được tiếp thu lên triều đình để thay đổi tình hình đất nước đang rơi vào tận cùng. Nhưng đáng tiếc triều đình nhà Nguyễn lại không nghe theo.
– Phan Bội Châu ( 1867 – 1940 ) : một nhà cách mạng nổi tiếng trong thời kì chống Pháp đầu thế kỉ 20. Ông sinh ra tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Phan Bội Châu là người đã sáng lập hội Duy Tân chống thực dân Pháp và sau đó là phát động phong trào Đông Du – đưa các thanh niên học giỏi, yêu nước sang Nhật Bản để học hỏi những cải cách đáng nể trong thời kì Minh trị đã làm thay đổi đột phá Nhật Bản khi ấy, đồng thời cũng cầu viện sự giúp đỡ từ Nhật. Nhưng quốc gia này và thực dân Pháp bắt tay nhau, khiến Phan Bội Châu cùng nhiều người bị trục xuất về nước, bị Pháp bắt giữ. Những năm cuối đời, ông bị người Pháp quản thúc tại Huế và mất ở đó. Đến bây giờ ông vẫn còn được nhân dân yêu mến gọi bằng cái tên “ Ông già bến Ngự ”.
– Hồ Chí Minh ( 1890 – 1969 ) : vị Cha già của dân tộc, Anh hùng cách mạng xuất sắc nhất, thiên tài hiếm có trong thời thế loạn lạc của nước nhà và là Danh nhân văn hóa thế giới. Và hơn thế, Bác còn là niềm tự hào, là biểu tượng của cả dân tộc Việt Nam. Một nhân vật có ảnh hưởng to lớn đến chủ nghĩa yêu nước, đấu tranh chống đế quốc thực dân trên toàn thế giới và được cả thế giới ngưỡng mộ. Bác sinh ra tại làng Hoàng Trù ( quê ngoại ) và lớn lên tại làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An.
Một điều ít ai biết rằng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dự đoán về Bác từ cách đó hàng trăm năm “ Đụn Sơn phân giải/ Bò Đái thất thanh/ Thủy đáo Lam thành/ Nam Đàn sinh thánh ” ( nghĩa là “ khi núi Đụn Sơn bị chẻ đôi, khe Bò Đái mất tiếng, sông Lam khoét sâu vào chân núi Lam thành, đất Nam Đàn sẽ sinh ra bậc thánh nhân ” ). Ban đầu có một số người nhầm tưởng đó là Phan Bội Châu nhưng cụ Phan khẳng định : “ Nếu đất Nam Đàn có thánh nhân thì đó chính là Nguyễn Ái Quốc chứ không phải ai khác ”.
– Lê Hồng Phong ( 1902 – 1942 ) + Nguyễn Thị Minh Khai ( 1910 – 1941 ) : đôi vợ chồng chiến sĩ cách mạng nổi tiếng và có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống thực dân Pháp. Ông Lê Hồng Phong sinh xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên và bà Nguyễn Thị Minh Khai sinh tại xã Vĩnh Yên thuộc thành phố Vinh ngày nay. Lê Hồng Phong chính là Tổng Bí thư thứ hai của Đảng Cộng sản Việt Nam. Còn bà Nguyễn Thị Minh Khai là một nhân tố trọng yếu trong bộ máy Đảng đồng thời cũng là lãnh đạo của Đảng trong phong trào kháng chiến Nam Kỳ trước năm 1945.
– Phạm Hồng Thái ( 1895/1896 ? – 1924 ) + Lê Hồng Sơn (1899 – 1933 ) : Là những chiến sĩ cách mạng yêu nước hăng hái tham gia các tổ chức đấu tranh chống thực dân Pháp, đồng thời chính họ đã tổ chức ném bom ám sát Toàn quyền Đông Dương Merlin vào năm 1924 ở Trung Quốc. Nhưng vụ ám sát không thành, Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông tự vẫn còn Lê Hồng Sơn sau đó một thời gian cũng bị bọn Pháp xử bắn.
Bên cạnh đó rất nhiều nhà cách mạng yêu nước nhưng nổi tiếng như : Hồ Tùng Mậu, Phan Đăng Lưu, Phùng Chí Kiên, … Nguyễn Duy Trinh ( người đại diện Việt Nam đặt bút ký Hiệp định Paris năm 1973 ), Trần Quốc Hoàn ( Bộ trưởng Bộ Công An đầu tiên của Việt Nam ) … cũng đều được sinh ra tại Nghệ An.
Tôi cũng muốn liệt kê thêm một vài cá nhân kiệt xuất với nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam được sinh ra tại Nghệ An. Đó là:
– Tạ Quang Bửu ( 1910 – 1986 ) : giáo sư, nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông cũng là người đặt nền móng cho nền khoa học – kỹ thuật và công nghệ quân sự Việt Nam, đồng thời là Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng. Tạ Quang Bửu là một nhà trí thức tài giỏi, lỗi lạc đã cống hiến rất nhiều cho Cách mạng và sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước chúng ta.
– Đặng Thai Mai ( 1902 – 1984 ) : Ông là giáo sư, nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học nổi tiếng và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam, đồng thời cũng là Nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục. Đặng Thai Mai là tác giả của nhiều cuốn phê bình Văn học Việt Nam về các tác phẩm từ thời phong kiến cho đến cận đại, kể cả phân tích các tác phẩm văn học ở Trung Quốc, trong đó có Lỗ Tấn. Một điều thú vị là những người con rể của ông đều là những tướng lĩnh cấp cao của quân đội Việt Nam, mà phải nhắc đến đầu tiên chính là Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp ( người vợ sau này của Cố Đại tướng là bà Đặng Bích Hà – con gái đầu của giáo sư Đặng Thai Mai ).
– Nguyễn Tư Nghiêm ( 1922 – 2016 ) : một họa sĩ vẽ tranh sơn dầu, sơn mài nổi tiếng của Việt Nam. Ông là một trong bộ tứ “ Sáng – Liên – Nghiêm – Phái ” ( bốn họa sĩ nổi tiếng đã có công gây dựng và phát triền nền Mỹ thuật Việt Nam ở thế kỉ 20 ). Quê ông ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
– Nguyễn Văn Tý ( sinh năm 1925 ) : là một nhạc sĩ nổi tiếng ở nước ta, có nhiều ca khúc hay đã đi qua nhiều thế hệ như : Dư âm, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Bài ca năm tấn … Đặc biệt ca khúc “ Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh ” đậm chất xứ Nghệ Tĩnh thân thương rất được nhiều người yêu thích – trong đó có mẹ tôi. Ông sinh ở thành phố Vinh, Nghệ An.
Kết Luận
Một bài viết tôi đã dành khá nhiều tâm huyết về miền đất Nghệ An gian khổ nhưng cũng thật kiên cường. Tôi tự hào khi được sinh ra ở xứ Nghệ – nơi có truyền thống hiếu học khoa bảng và sản sinh nhiều nhân tài cho đất nước. Xin cảm ơn mọi người đã đọc.
Tác giả: Phương Thụ
Cầu Nào Dài Nhất Việt Nam
Sông Nào Dài Nhất Việt Nam?
Link bài viết gốc Copy link https://goctomo.com/tinh-nao-rong-nhat-viet-nam/